Tóm tắt nội dung [Ẩn]
(Xây dựng) - Việt Nam là một trong số những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu trên thế giới. Việc chú trọng phát triển vật liệu xây dựng cho các công trình ven biển ứng phó với biến đổi khí hậu rất quan trọng. Các nhà khoa học trong nước đã không ngừng nghiên cứu, phát triển các vật liệu xây dựng nhằm thích ứng với điều kiện biến đổi khí hậu.
Phát triển vật liệu xây dựng cho các công trình ven biển đóng góp vào sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng (Ảnh: TTXVN).
Trong đề tài khoa học “Nghiên cứu và phát triển bê tông tính năng siêu cao trong xây dựng”, nhóm tác giả Nguyễn Xuân Mãn, Nguyễn Duyên Phong, Phạm Mạnh Hào đã chia sẻ những kết quả nghiên cứu bước đầu về bê tông tính năng siêu cao dùng trong xây dựng các công trình biển Việt Nam. Từ đó, nhóm tác giả đề xuất sử dụng bê tông tính năng siêu cao trong xây dựng khi thi công công trình có điều kiện thi công đặc biệt, các cấu kiện có mật độ bố trí cốt thép dày, không gian sau ván khuôn đổ hẹp và vận chuyển vữa bằng cách bơm theo đường ống. Trong điều kiện đó sẽ không cần phải đầm mà vữa bê tông sẽ tự lèn, tự chảy, tự đầm lấp kín không gian cần đổ mà vẫn đảm bảo tính đồng đều, độ chặt của kết cấu.
Đề cập đến việc phát triển, xây dựng các công trình bảo vệ bờ biển, đảo, trong điều kiện thích ứng biến đổi khí hậu, PGS. Nguyễn Việt Phương (Trường Đại học Xây dựng Hà Nội) đề xuất một số giải pháp theo hướng thích ứng “mềm” với các điều kiện khó khăn, thích ứng với biến đổi khí hậu ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Đó là các giải pháp: Sử dụng vật liệu rỗng tiêu sóng, bê tông đóng rắn nhanh, bê tông cường độ siêu cao, cốt phi kim, phát triển các dạng cấu kiện kiểu mới.
Bên cạnh đó, các công trình được xây dựng tại khu vực này cũng có thể được định hướng là công trình đa năng, kết hợp công trình bảo vệ bờ với hạ tầng giao thông, công trình xanh, bền vững.
Tương tự, trong Đề tài “Nghiên cứu ứng dụng bê tông tro bay cát mặn cho công trình hạ tầng ven biển hướng tới phát triển bền vững” của nhóm tác giả Phạm Duy Hòa, Nguyễn Việt Phương, Lê Bá Danh của Trường Đại học Xây dựng Hà Nội giới thiệu về việc sử dụng bê tông tro bay cát mặn phục vụ thi công công trình hạ tầng ven biển.
Việc sử dụng loại bê tông này sẽ đáp ứng được các tiêu chí tận dụng nguồn vật liệu tại chỗ trong điều kiện vật liệu cát tự nhiên truyền thống ngày càng khan hiếm, vừa đảm bảo được tiêu chí sử dụng tro bay là phế thải công nghiệp để giải quyết bài toán môi trường hướng tới phát triển bền vững.
Nghiên cứu này là cơ sở để có các nghiên cứu chuyên sâu hơn trong việc ứng dụng bê tông tro bay cát mặn cho các công trình hạ tầng ven biển, từ đó sẽ góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành Xây dựng.
Theo nhóm tác giả, để góp phần phát triển kinh tế - xã hội, trong điều kiện biến đổi khí hậu diễn ra ngày càng phức tạp, xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, gắn liền với xây dựng các công trình hiện đại, bền vững, tập trung vào hệ thống giao thông và hạ tầng đô thị lớn là rất quan trọng.
Các ngành, địa phương trong vùng cần tiếp tục quan tâm, ưu tiên hàng đầu cho việc xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; tiếp tục đẩy mạnh việc phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với biến đổi khí hậu.
Còn theo TS. Trương Thị Hồng Nga (Trường Đại học Xây dựng Miền Tây), một trong những giải pháp hiệu quả để phát triển xây dựng bền vững trong bối cảnh biến đổi khí hậu là các đơn vị chuyên môn tăng cường hoạt động hợp tác, sản xuất các loại vật liệu xây dựng mới, thông minh, tiết kiệm năng lượng có hiệu quả kinh tế cao và thân thiện môi trường. Các giải pháp này hướng đến mục tiêu giảm phát thải chất ô nhiễm, khí nhà kính hay hủy hoại cảnh quan, sinh thái, gây ô nhiễm môi trường, các vấn đề về gia tăng rủi ro thiên tai, nhất là các tỉnh ở vùng đầu nguồn nước, vùng ven biển trọng yếu.
Nhật Minh
Share: