MÀNG PHỦ BITUM - NHỮNG HẠN CHẾ- NHỮNG LỖ HỔNG KỸ THUẬT TRONG BIỆN PHÁP THI CÔNG CHỐNG THẤM CHO CÁC CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG
Bài viết của Phạm Quyết Thắng công ty QUOCTHANG CO
Đã đăng trên bachkhoadanang.net
I - ĐẶT VẤN ĐỀ:
Vào những thập niên 30 của thế kỷ trước, xuất phát từ những yêu cầu thiết yếu về việc xử lý chống thấm của nghành xây dựng, người ta đã dùng các chế phẩm của nghành dầu mỏ như nhựa đường, ở dạng lỏng hoặc cán thành tấm nhằm chống thấm cưỡng chế (phương pháp chống thấm không quan tâm đến vật liệu nền của các cấu trúc bê tông, đơn giản là che hoặc bọc kín cấu trúc cần xử lý). Vượt trên những mặt hạn chế của vật liệu này, trong chừng mực nào đó phương pháp này cũng tỏ ra hữu hiệu và đã đáp ứng khá tốt yêu cầu của giai đoạn lịch sử đó đã đòi hỏi ở nó.
Với tốc độ phát triển của khoa học ngày nay thì những điểm yếu của loại vật liệu này càng trở nên rõ ràng hơn điều đó khiến người ta càng khó chấp nhận hơn khi đã có những giải pháp tốt hơn, bền hơn, đặc biệt là thân thiện với môi trường, thi công đơn giản hơn, giá thành cũng hợp lý hơn. Vậy yếu điểm
của dạng màng bitum ở đâu ?. Chúng tôi xin trình bày sơ lược như sau:
II - NHỮNG MẶT HẠN CHẾ CƠ BẢN CỦA MÀNG BITUM CHỐNG THẤM SÀN MÁI - MẶT CẦU GIAO THÔNG
2.1 Điểm yếu đầu tiên của dạng vật liệu này:
Như chúng ta đã biết, khoa học ngày nay đã chứng mình rằng chỉ cần 40% lượng nước trong 1m3 thường dùng hiện nay là đủ cho việc ninh kết của bê tông, song nếu với chừng đó nước sẽ không có độ sụt cần thiết cho việc tác nghiệp của bê tông trong quá
trình thi công bởi không thể bơm bê tông được. Vì vậy, lượng nước thừa có trong khối bê tông đó khi khô đi chúng sẽ để lại những lỗ siêu nhỏ trong bê tông mà ta thường gọi là “mao dẫn”. Chúng ta quan sát 2 hình ảnh được phóng 4000 lần dưới đây là minh chứng rõ nét về sự tồn tại các mao dẫn này trên thực tế:
Hình ảnh mao dẫn trong bê tông
Như vậy, ta hiểu rằng các mao dẫn chứa không khí cũng chịu tác động tự nhiên của môi trường, đặc biệt tệ hại ở môi trường nóng ẩm mưa nhiều độ ẩm cao như ở Việt Nam ta. Chính vì lý do này mà khi dùng màng chống thấm cưỡng chế, trên bề mặt bê tông sẽ bị ngưng đọng nước, ở giữa bê tông và lớp màng, không khí bị tích áp, giãn nở do quá trình sốc nhiệt, theo thời gian các loại hoạt chất ăn mòn có trong hơi nước(như muối khoáng, lorua... axít tự nhiên) ngưng đọng này cộng thêm quá trình lão hoá của bê tông sẽ phá huỷ liên kết cũng như xâm thực lại bề mặt bê tông. Chính vì nguyên nhân này mà khi dùng các loại màng phủ tại Việt Nam đều không có được độ bền lý thuyết như những nước Châu Âu bởi độ ẩm thường xuyên tại Việt Nam rất cao từ 70 - 95%, có khi bão hòa 100%. Đây cũng là nguyên nhân sâu xa của hiện tượng bong rộp trên mặt bê tông ở các công trình đang là hiện tượng thường gặp tại Việt Nam. (Xin xem thêm hình sơ hoạ sau):
Hình ảnh bê tông bị rộp
Hình ảnh bề mặt bê tông bị đọng nước
Ảnh chụp thực tế sự ngưng đọng nước mặt dưới bê tông sàn nhà, để minh chứng cho sự trao đổi khí trong bê tông, là hiện tượng rất tự nhiên.
Hình ảnh bê tông bị bong do không khí tích áp
Ảnh chụp màng bitum bị bong do không khí tích áp, hơi nước dãn nở trong quá trình sốc nhiệt từ trong bê tông đẩy ra (ảnh tư liệu nước ngoài )
Hình ảnh lớp bitum bị bong trong thực tế
2.2 Điểm yếu thứ 2 khi dùng màng phủ là thi công phức tạp
• Bởi để hạn chế tối đa hiện tượng túi khí giữa lớp màng phủ và bê tông thì đòi hỏi bề mặt bê tông phải có một độ phẳng nhất định tối thiểu, điều này là rất khó thực hiện trong thực tế đối với điều kiện và thiết bị thi công ở Việt Nam. Hơn nữa với loại bê tông mác cao thì việc mài mặt tạo phẳng là không đơn giản (Chỉ một vết vấp của lưỡi máy mài mặt bê tông trong khi thi công cũng đủ để lại những vệt khuyết trên bề mặt bê tông và hiển nhiên đã tạo ra một túi khí tự nhiên không đáng có).
• Do đặc tính của màng bi tum người ta không thể dán nó trong những cấu trúc phức tạp, hay trong phạm vi nhỏ hẹp, càng không thể bẻ gấp góc 900, do đó khi gặp các vị trí tiếp giáp giữa tường và thành người ta phải tạo góc tránh bị gấp bằng vữa thông thường, điều này, cho đến nay, không ai đảm bảo rằng những vị trí này không bong ra theo thời gian.
• Do tác động của sự sốc nhiệt, độ ẩm Việt nam rất cao, đặc biệt là ở nhiệt độ cao, gốc dầu trong Bitum bị bốc thoát ra ngoài, làm cho tấm màng này dần trở nên xơ và xốp tính chất cơ lý của nó bị giảm đi, tiến trình lão hoá của vật liệu sẽ đến nhanh hơn lý thuyết, điều này đồng nghĩa với tuổi thọ của Bitum không thể kéo dài, vai trò ngăn nước của màng Bitum không còn tác dụng.Vì vậy việc dùng màng bi tum, hư hại sẽ đến rất sớm hơn ở khí hậu Viêt Nam ta, so với độ bền lý thuyết. (xem ảnh dưới)
Hình ảnh dỡ bỏ lớp bitum trong thực tế
• Mặt khác trong suốt quá trình thi công lớp màng không ai có thể cam kết rằng lớp màng phủ kia vẫn đảm bảo 100% không bị thủng, hoặc khẳng định chất lượng của hàng chục ngàn mét nối dù chỉ là một lỗ nhỏ do những sự cố ngoài ý muốn như chỗ chồng mí của 2 cuộn lúc khò nóng để gián, có những điểm chúng không kết dính tốt được với nhau do bị bẩn...trong thực tế thi công lớp phủ mặt cầu đã có những trường hợp người ta phải chấp nhận chọc thủng màng khi bị dồn khí trong lúc thảm bê tông nhựa. Ta xem qua ảnh trên thực tế sau:
Hình ảnh nước bị ứ giữa màng bitum và bê tông
Ảnh thực tế cho thấy màng bị thủng, nước ứ lại giữa màng và bê tông, bật mí nối trên thực tế, mà theo lý thuyết thì màng có khả năng chống thấm, chống thủng cao và dính bám rất tốt...v/v
2.3 Điểm yếu thứ 3 của lớp màng phủ Bitum này là gây hại cho môi trường và con người
Do có nguồn gốc và thành phần cơ bản của vật liệu là những chất phế phẩm sau cùng của ngành công nghiệp dầu khí thải ra, một hợp chất có tính độc tố cao, rất độc hại với môi trường, đặc biệt là khi loại màng này bị ngâm trong nền đất nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng nguồn nước ngầm, ở các nước tiên tiến khác, đặc biệt là Châu Âu ngày nay người ta hạn chế đến mức tối đa thậm chí có nước cấm dùng các sản phẩm này, chuyển qua dùng các loại bi tum biến tính, nhằm giảm bớt các độc tố gây hại, xong cũng chưa thoát khỏi danh sách các loại vật liệu có độc tố cao. Chúng ta có thể thấy ngay cả một hãng hàng đầu thế giới về các loại màng chống thấm như BITEC (Mỹ) cũng phải ghi trong MSDS câu sau:
“STATE: This product contains chemicals known to the State of California to cause cancer and/or reproductive toxicity, as defined by Title 22 California Code of Regulations Section 12000. For additional information on this content, contact the product manufacturer.”
Đó là chưa nói đến các loại màng của Trung Quốc với chất lượng kém, giá rẻ đang đổ về Việt Nam
III- NHỮNG HẠN CHẾ CỦA MÀNG BITUM CHỐNG THẤM CHO HẠNG MỤC NGẦM
Ta xem qua hình minh họa biện pháp dùng màng bium khò nóng thi công chống thấm tầng hầm
Xử lý chống thấm nền bằng bitum
Chỉ cần nhìn qua những vị trí chúng tôi đánh dấu tròn các bạn có thể thấy những lỗ hổng kỹ thuật của phương án này ngay trên lý thuyết, bởi trên thực tế phương án này càng bộc lộ những lỗi như đã trình bày ở mục II một cách ấn tượng hơn nhiều. Nếu ở trên sàn mái màng này chỉ bị tấn công bằng hơi ẩm, thì vẫn có thời gian để đến lúc bong bật, nhưng ở tầng hầm thì việc bong bật lớp màng này nhanh đến mức chưa kịp nghiệm thu, vì ở vị trí này nền hầm thường bị ướt, bẩn bụi, việc dán màng không đảm bảo độ dính, thậm chí ở chân tầng hầm bao giờ cũng có nước do không thể bơm khô nổi, hoặc bị nước mưa, nước do quá trình thi công các hạng mục khác đọng lại.... Thật khó có công trình thi công nào mà đảm bảo nền hầm khô ráo cho việc thi công màng khò. Song ngay khi có điều kiện thi công lý tưởng lớp màng này cũng đứng trước các vấn đề phát sinh sau khi đổ bê tông nền, bởi với áp lực nước ngầm lớn, chỉ một lỗ nhỏ bị thủng hoặc chồng mí không đều là toàn bộ lớp màng này không còn giá trị gì. Để các bạn có thể hiểu rõ hơn những vị trí yếu điểm của phương án dùng màng khò nóng chống thấm cho hầm, chúng tôi
cắt minh họa chi tiết những vị trí đánh dấu tròn trong hình trên, mời các bạn xem qua:
Hình vẽ minh họa quá trình màng bong mí khi bị nước ngấm phá hủy liên kết giữa màng và bê tông và Ảnh thực tế màng bong mí khi bị nước ngấm phá hủy liên kết giữa màng và bê tông
Ta có thể thấy qua ở hình vẽ chi tiết ở trên và ảnh thực tế bên cạnh, đây là vị trí màng không thể dán để làm kín góc giao tuyến giữa bê tông lót và đài cọc, ảnh bên cạnh cho ta thấy sự bế tắc trong phương án thi công, nước vẫn thấm lên xung quanh các vị trí đài cọc, móng, mà trên thực tế cũng chẳng có cách nào dán được. Một số ý kiến vì cố bán được màng nên bổ sung vào phương án ở vị trí này thêm vật liệu chặn nước mạch dừng (PVC hoặc sợi bentonite) xem ra đó là sự hoang phí đến vô lý, bởi sẽ tốn hàng trăm ngàn đồng cho mỗi mét dài, mà vẫn không có hiệu quả gì nhiều cho việc chống thấm cấu trúc này, bởi nếu đặt sợi ở bê tông lót thì chẳng có hiệu quả bởi bản thân bê tông lót thường dùng ở dạng bê tông nghèo có mác thấp, nên bản thân nó tự thấm, vậy đặt sợi vào đó làm gì?!. Mặt khác cứ cho là chủ đầu tư nhiều tiền đổ bê tông mác cao làm bê tông lót thì ai đảm bảo rằng mạnh ngừng đặt sợi này kín nước, đặc biệt hơn là họ phải đổ bê tông dưới nền đất ướt, thực tế này rất dễ tạo ra bê tông bị lỗ mọt và nước thấm lên tự nhiên. (Mời xem ảnh trên)
Còn rất nhiều vấn đề bất ổn về mặt kỹ thuật màng bitum khò nóng dùng chống thấm cho tầng hầm, bởi còn rất nhiều những yếu điểm không chỉ là không phù hợp với môi trường khí hậu, mà còn không phù hợp với điều kiện thi công tại Việt Nam.
Ta xem qua ảnh thực tế chứng minh hiệu quả kém của phương án này:
Hình ảnh minh họa tính kém hiệu quả của màng bitum
Qua hình ảnh trên, dù không nói thêm nhưng tôi nghĩ các bạn cũng biết những tổn thất rất lớn của chủ đầu tư và sự lãng phí thế nào khi phải dỡ bỏ và làm lại bằng phương án với khối lượng lớn. Nhưng như vậy vẫn chưa hết những chuyện liên quan đến lớp màng này, cụ thể là khoảng 6-7 năm gần đây, ta nghe nhiều đến việc cạn kiệt nguồn nước ngầm do việc khai thác quá mức và thông tin này ngày ngày vẫn tăng lên nhanh chóng, thêm vào đó là việc hạ mực nước ngầm để thi công tầng hầm đã ảnh hưởng trực tiếp đến nền đất, vậy việc mực nước ngầm sụt giảm ảnh hưởng thế nào đến công trình, mời cá bạn xem qua hình minh họa để cùng tôi nhìn nhận vấn đề này một cách trực quan, thực tế nhất.
Xử lý chống thấm nền bằng màng bitum
Qua hình vẽ ta có thể thấy rằng, nền đất có thể bị sụt lún cục bộ, điều này thường xảy ra khi thi công khoảng từ 1 đến 2 năm khi đó nền đất bắt đầu ổn định (cũng tùy vào từng vùng) mà việc sụt đất cục bộ này diễn ra nhanh hay chậm, ít hay nhiều, ít thì vài phân, nhiều thì vài khối, tất nhiên khi bị sụt thì lớp màng sẽ rơi theo (vì dán vào bê tông lót), tác dụng chống thấm của màng không còn, tiền của chủ đầu tư cũng “rơi sông.. lạc chợ.”Và trên thực tế thì sụt đất không còn là cảnh báo mà nó đã xảy ra với tần suất ngày càng cao Mời các bạn xem qua hỉnh ảnh thực tế chứng minh sau:
Hậu quả của sụt nún
VI – NHỮNG HỆ LỤY KHI DÙNG MÀNG BITUM KHÒ NÓNG CHỐNG THẤM
Thật tệ hại khi chống thấm xong mà vẫn thấm, với những phân tích đã nêu trên, việc dùng màng được xem là “năm ăn, năm thua” song việc sẽ tệ hơn cả là việc phải sửa chữa khi chưa nghiệm thu, đặc biệt đối những công trình lớn, khi sàn mái là nơi đặt các thiết bị như máy lạnh...bể nước....chi chít trên mái, thì việc sửa chữa, chống thấm lại là điều khó khăn và tổn thất rất lớn về tài chính, vì không thể dừng tất cả các hoạt động để sửa chữa, cũng không phải dễ dàng tháo các thiết bị ra để thi công, mời các bạn xem qua ảnh thực tế tại một công trình, để cảm nhận trực quan sinh động về những khó khăn này:
Khó khăn trong quá trình áp dụng chống nóng, chống thấm bằng bitum
Những bức ảnh trên là những công trình đã chống thấm bằng màng khò nóng 4mm, có thể trong các bạn, khi đọc bài viết này sẽ nhận ra công trình này nằm ở đâu, thậm chí có bạn biết rõ là đơn vị nào đã làm. Vì vậy, tôi xin khẳng định, ở đây tôi chỉ đặt vấn đề về kỹ thuật, không có bất cứ ý gì khác, chỉ nhằm mang đến cho các bạn cái nhìn trực quan, chứng minh cho tầm quan trọng của công tác chống thấm, nó không chỉ ảnh hưởng đến uy tín, danh dự của các bên liên quan, mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến những người phải chịu đựng khi sống, làm việc trong không gian thế này. Và đây cũng là căn nguyên của sự bức xúc xã hội gay gắt ở các chung cư hiện nay. Ta có thể thấy tổng giá trị chống thấm cho một tòa nhà là rất nhỏ so với tổng giá trị đầu tư, song qua chứng minh nêu trên thì ta có thể thấy hậu quả rất lớn ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của toàn bộ công trình. Vì vậy thiết nghĩ, chúng ta cần có những giải pháp kín kẽ, đảm bảo chất lượng cho việc khai thác công trình hiệu quả và lâu bền mới là cách đầu tư đúng.
V - KẾT LUẬN:
Công nghệ sử dụng màng bitum thực sự là công nghệ đã lạc hậu, không còn đáp ứng được các tiêu chí chất lượng ngày càng cao về môi trường, cũng như sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ xây dựng hiện đại ở các nước phát triển trên thế giới. Chính vì lý do này mà các loại màng dạng này chạy về các nước đang phát triển như Việt Nam một cách ào ạt, đặc biệt trong khoảng thời gian gần đây, với mức giá hấp dẫn, được bổ sung bằng các chiêu thức ở đẳng cấp siêu phẩm của môn Marketing, qua mắt được khối chuyên gia kỹ thuật, đáp ứng đúng yêu cầu của số chủ đầu tư ham rẻ. Và như vậy hàng trăm ngàn tấn vật liệu này vẫn được nhập về, vẫn đang đầu độc môi trường Việt Nam từng ngày. Vậy tại sao ta không chọn những giải pháp chất lượng hơn việc dùng màng khò, trong khi thời đại công nghệ đang phát triển mạnh mẽ, đã mang đến cho chúng ta thêm nhiều sự lựa chọn mới..!? Câu hỏi này xin dành cho mỗi người đang đứng trước công trình của mình vì nghề nghiệp, vì đam mê, hay vì danh dự, và các bạn chắc sẽ tự có câu trả lời cho mình. Còn người viết cũng chỉ xin đưa ra các bằng chứng kỹ thuật hoàn toàn trên thực tế, không có ý đụng chạm ai, đơn giản là mang đến cho các bạn một cái nhìn mới với những chứng minh từ thực tế sinh động cho phương án thi công màng khò nóng này. Xét cho cùng, tư duy ham rẻ bất chấp kỹ thuật, bao giờ cũng là căn nguyên của việc rác hóa hạ tầng đất nước.
Bạn nên xem thêm
Ngoài cung cấp dịch vụ thi công xử lý chống thấm tại Hải phòng, Hạ Long công ty chúng tôi còn cung cấp dịch vụ xử lý chống thấm tại Hải Dương, Hưng yên, Thái Bình, Hà Nội, Bắc Ninh……